Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Thông tin tuyên truyền

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và chi bộ để bài trừ các thủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang

15/09/2023 09:54 163 lượt xem

“Phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi” - Lời căn dặn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Trong nhiều bài nói chuyện với cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số, Bác thường xuyên nhắc nhở phải xây dựng thuần phong mỹ tục, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Bời vì theo Bác: “Nước ta là một nước xã hội chủ nghĩa. Trong nước xã hội chủ nghĩa thì mọi người công dân phải có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.

Cách đây hơn 62 năm, đúng vào ngày 26/3/1961, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang vinh dự, tự hào được đón, tận mắt nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Trước khoảng 1,7 vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tại Quảng trường 26/3 lịch sử (trước đây là sân vận động thị xã Hà Giang), Người đã căn dặn “Đồng bào phải chú ý vệ sinh. Để giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch, có sức khỏe thì lao động sản xuất mới tốt”.

Nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai (ngày 24/9/1958), Bác nói: “Vì phong tục cũ, vì hoàn cảnh lạc hậu có nơi còn giữ mê tín, hại vệ sinh, hại sức khỏe”. Bác phê bình: “Có nơi bé tý tẹo đã lấy vợ, lấy chồng, làm mâm cỗ thật nhiều. Phải bán trâu, bán ruộng để ăn bừa bãi hai ba bữa, rồi sau hai đứa con phải trả nợ mãi không hết. Thế là không tốt”.

Tại Hội nghị cán bộ phụ nữ miền núi (ngày 19/3/1964), Bác nói: “Ở miền núi đang còn những phong tục không tốt do bọn phong kiến để lại, như: Ma chay, cúng bái rất tốn kém. Cưới vợ, gả chồng quá sớm. Vệ sinh phòng bệnh, v.v. còn kém. Đó là những mê tín và hủ tục nên xóa bỏ”.

Một vấn đề nữa, Người thường xuyên nhắc nhở đồng bào là phải tiết kiệm. Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, Bác nhận xét: “Về mặt kinh tế, đồng bào miền núi nhiều nơi còn chưa biết tiết kiệm. Có bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Ăn, cúng, cưới xin đều chưa biết tiết kiệm”.

Trong buổi nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Hòa Bình (ngày 19/10/1958), Bác chỉ ra thực trạng: “Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì: Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo; uống nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”. “Thế là không tốt. Mà đã không tốt là xấu. Đã xấu thì phải sửa”.

Đã 54 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ kính yêu đi xa. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà cho đến nay, một số hủ tục lạc hậu mà Người chỉ ra vẫn tồn tại trong đời sống các dân tộc thiểu số trên mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó có dân tộc Mông vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, nhất là trong việc cưới, việc tang. Và một trong những hủ tục đã thường thức, đồng hành bao đời nay trong đời sống, sinh hoạt của người dân tộc Mông, có thể kể đến như là: Người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang còn kéo dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc có nơi bị lợi dụng, biến tướng đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do: Một số cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của việc thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu; công tác lãnh đạo, chi đạo chưa được quan tâm thường xuyên, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; chưa phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian trong công tác tuyên truyền, vận động.

Vâng lời Bác dạy “Phải thực hiện nếp sống mới, lành mạnh, vui tươi”. Đảng, Nhà nước và tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh là một minh chứng rõ nét, một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức để xây dựng và đặt ra lộ trình hành động bài trừ các hủ tục lạc hậu trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang đến năm 2030.

Những năm qua, cùng với cấp ủy cấp huyện, Đảng ủy xã Lũng Thầu đã lãnh, chỉ đạo hệ thống chính trị và các chi bộ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với đặc điểm tình hình ở cơ sở.

- Như đối với việc cưới: Hướng dẫn, vận động nhân dân loại bỏ những hủ tục gây hậu quả xấu cho sự phát triển con người, đời sống xã hội như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kéo vợ; những nghi lễ rườm rà, gây lãng phí như thách cưới, tổ chức cưới nhiều ngày; tập trung tuyên truyền tổ chức cưới, hỏi với nghi thức đơn giản, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đúng Luật Hôn nhân và gia đình.

- Còn đối với việc tang: Vận động nhân dân cải tạo, thay đổi những tập quán rườm rà trong phúng viếng; vận động đưa người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà; tổ chức đám tang không được quá 48 tiếng; không giết mổ hoặc chỉ được mổ 01 con bò; tuyên truyền, vận động nhân dân không dắt bò và kiên quyết cưỡng chế trường hợp dắt bò đến phúng viếng.

Bên cạnh đó, xã chủ động thành lập và duy trì tốt mô hình 03 dòng họ, nhánh dòng họ đưa người chết vào áo quan khi tổ chức tang lễ gắn với tổ chức không quá 48 tiếng, giảm bớt các thủ tục rườm rà, ăn uống hợp vệ sinh. Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, 100% các đám tang trong 04 năm trở lại đây đều đã được tổ chức không quá 48 tiếng, không xảy ra trường hợp mổ từ 2 con bò trở lên. Đặc biệt, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, đã tuyên truyền, vận động nhánh dòng họ Giàng (thôn Há Đề - xã Lũng Thầu) thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức lễ tang. Đó là thành quả bước đầu, có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thay đổi nhận thức, tư duy bao đời nay của đồng bào các dòng họ để xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang.

Xét trên diện rộng, việc cưới đã cơ bản đơn giản hóa về thủ tục; quy mô đám cưới được tổ chức văn minh, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của gia đình và sự tiến bộ chung của xã hội, góp phần hạn chế sự lãng phí, xa hoa, tiết kiệm tiền bạc và thời gian của nhân dân. Việc đăng ký kết hôn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; tình trạng tảo hôn giảm đáng kể; tình trạng hôn nhân cận huyết thống được chấm dứt.

 “Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang tuy còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng trên hành trình xây dựng cuộc sống văn minh ấy, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ thực sự là những tuyên truyền viên giỏi ở cơ sở, là cánh tay “nối dài” đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian hướng dẫn thực hiện các nghi lễ truyền thống theo phương châm đơn giản, tiết kiệm cũng là một nội dung rất quan trọng được cấp ủy, chính quyền xã Lũng Thầu và các chi bộ đảng quan tâm triển khai thực hiện. Bởi đây là đội ngũ, là lực lượng chính tham gia thực hiện các nghi lễ trong một đám tang, nên họ có tầm ảnh hưởng, tiếng nói và uy tín rất lớn.

 “Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Bởi vậy, bên cạnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tuyên truyền viên, phải là người đi trước, người thực hiện trước để noi gương cho quần chúng. 

Như đảng viên Giàng Mí Pó - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lũng Thầu là một người như vậy. Bằng vai trò, trách nhiệm của người đảng viên Cộng sản, anh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, gia đình, dòng họ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, hương ước của thôn, không làm ma tươi, đám ma không quá 48 tiếng, các nghi lễ, thủ tục trong đám ma được rút ngắn, ít mổ gia súc, không thách cưới, không được tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Bản thân gia đình anh đã gương mẫu thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ. Đó là tấm gương tiên phong, là điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 của tỉnh trên địa bàn xã Lũng Thầu. Là tấm gương tiêu biểu trong thực hiện lời Bác Hồ dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. 

 “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, đứng trước nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mà Đảng và Nhà nước giao phó. Trong những bước đi đầu tiên này, đòi hỏi mỗi chúng ta phải xây dựng và thực hành “con người mới, cuộc sống mới” gắn với bảo tồn, giữ gìn văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Vừ Mí Và - Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy

Tin khác